Lớp 10D Đống Đa - Hà nội - Khóa 73-76

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Lớp 10D Đống Đa - Hà nội - Khóa 73-76

Diễn đàn Lớp 10D Đống Đa - Hà nội - Khóa 73-76.


    Những tản mạn của Diệu Hà về Hà Nội

    DieuHa
    DieuHa


    Tổng số bài gửi : 335
    Join date : 24/09/2011
    Đến từ : TP.Hồ Chí Minh

    Những tản mạn của Diệu Hà về Hà Nội Empty Những tản mạn của Diệu Hà về Hà Nội

    Bài gửi  DieuHa Mon Sep 26, 2011 11:14 am

    Thăng Long-Hà Nội nghìn năm tuổi
    1.Đêm chuyển giao năm cũ 2009 sang năm mới 2010 hình như có gì đó thật khác lạ với Thăng Long-Hà Nội, ít nhất là trong mắt một người phương Nam. Không phải là mặt nước Hồ Gươm mờ ảo lãng đãng sương giăng, nhành liễu rủ rèm lá trong lung linh ánh đèn. Không phải là sắc màu rực rỡ của Lễ hội phố hoa nơi trung tâm thành phố, với tấp nập nam thanh nữ tú, tao nhân mặc khách và cả những gương mặt in dấu nhiều cung bậc cảm xúc của thời gian, của cuộc sống… Và cũng không phải cái giá lạnh ẩm ướt của mùa đông trong cơn mưa phùn lất phất, làm cảnh vật cứ liêu xiêu, hư thực trong đêm.
    Tôi chỉ cảm nhận thôi, chứ khó diễn tả cái khác lạ đó cụ thể như thế nào. Hình như đâu đó trong thinh không có tiếng chuông chùa vọng từ Hoa Lư,cố đô của nước Việt nghìn năm trước. Thỏang nghe mơ hồ như có tiếng chèo khua từ những chiếc thuyền rồng cổ xưa nghìn tuổi với thấp thóang bóng vị vua tay cầm “Chiếu dời đô” đang rẽ sóng Sông Hồng…Lại như nghe tiếng reo vang chiến thắng quân xâm lược của những đòan quân dũng sĩ mang tinh thần Đông A đi xuyên qua thời gian không gian từ 7-8 thế kỷ trước đến hôm nay…
    Không biết có phải do đang đứng ở ngay mảnh đất linh thiêng của nước Việt, nơi truyền thuyết và huyền thọai lẫn hiện thực hòa quyện vào nhau, để cho bất kỳ ai mang dòng máu Hùng Vương cũng đều tự hào mỗi khi thốt lên những tiếng thiêng liêng “Thăng Long-Hà Nội”.
    2.Những người bạn bên kia đại dương, với một tình yêu con người Việt, văn hóa Việt và văn chương Việt, đã không quản xa xôi, không quản sự khác biệt ngôn ngữ, thậm chí không e ngại hay mặc cảm vì đã từng có một quá khứ là “đối phương” trong cuộc chiến tranh xâm lược nước Việt… Họ đã đi và đã đến Thăng Long-Hà Nội với nhiều cảm xúc trong một cuộc gặp gỡ để thắt chặt sự giao lưu và đối thọai với các nền văn hóa giữa các quốc gia với Việt Nam bằng ngôn ngữ của một trong 6 nữ thần nghệ thuật trên đỉnh Olympia- Nữ thần thi ca.
    Tôi khá ngạc nhiên khi những người bạn, tóc vàng,tóc bạch kim, mắt xanh, mắt tím, da trắng, da nâu… đứng lặng im và có vẻ gì rất kính cẩn bên những ông rùa đội bia trong Văn Miếu. Hỏi người bạn tóc bạch kim là Giám đốc của Trung tâm William Joiner- Mỹ, ông ta nói rất khẽ:” Chúng tôi đang nghiêng mình chào những bậc Thánh nhân văn hóa Việt Nam”.. Nhìn vào mắt ông, thật lạ, dù tuổi cao nhưng mắt ông rất trong, in hình cả hàng rùa đội bia. Hình như ông muốn thu hết không phải bằng mắt mà bằng cả trái tim, trí óc những hình ảnh tượng trưng cho tinh túy văn hóa văn minh của dân tộc Việt với sự thán phục và kính nể trân trọng.
    Những ngày Thăng Long-Hà Nội trong khuôn khổ của cuộc gặp gỡ văn chương, những người bạn bên kia đại dương đều như cảm nhận không khí Thăng Long-Hà Nội nghìn năm tuổi qua những câu thơ cổ mang linh hồn dân tộc Việt bất tử với lịch sử hơn 4000 năm, qua những vần thơ mà bên trong như “có lửa” của những năm tháng kháng chiến chống xâm lược đầy kiên cường và chiến thằng vinh quang, qua những bài thơ mang hơi thở cuộc sống đương đại với khát vọng hòa bình, tự do, vững mạnh, trường tồn.
    Họ lắng nghe một cách chăm chú những giai điệu liêu trai của ca trù. Họ thích thú khi nhận một miếng trầu têm cánh phượng của các liền chị quan họ. Họ nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng của rừng núi Tây Nguyên…Và khi lọt vào không gian của Bảo tàng dân tộc, nhìn thấy hình ảnh tượng trưng cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, họ hiểu rằng không thể có một thế lực lớn mạnh nào có thể khuất phục được một đất nước có tinh thần đòan kết của 2 chữ “đồng bào”.

    3.Vẫn là những người bạn bên kia đại dương trong những ngày bên nhau ở cuộc gặp gỡ văn chương, trong một buổi trò chuyện thân mật ngòai chương trình. Và thật thú vị khi cái tiệm café đó lại chơi “nhạc đỏ”, mà ca khúc đầu tiên khi chúng tôi vào ngồi lại là “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội…”
    Tôi đã dịch nghĩa của ca từ cho những người bạn nghe. Kể câu chuyện về xuất xứ ca khúc, gắn với trang sử bi tráng của Thăng Long-Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước, về tác giả, một “người Hà Nội” cầm, kỳ, thi, họa xuất sắc. Cũng không bất ngờ khi những người bạn này biết khá rõ về tác giả, bởi ông cũng là một thi nhân, một văn nhân tài hoa, tên ông đã vượt đại dương, như một cầu nối văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế từ nhiều năm trước.
    Và thế là câu chuyện Thăng Long-Hà Nội nghìn năm tuổi trở thành chủ đề của cuộc trò chuyện mà ngôn ngữ không hề có sự ngăn cách vì có chiếc cầu nối của văn chương giữa những người yêu văn chương dù khác màu da và quốc tịch.
    Khu khách sạn chúng tôi ở trong dịp này nằm sâu trong Hồ Tây, miệt Quảng Bá. Yên tĩnh đến kỳ lạ, gần như thuộc về một thế giới khác không hề có tiếng động cơ xe, chỉ có tiếng chim hót, cho dù đang mùa đông.
    Kỳ lạ hơn là sáng sớm, nhìn từ cửa sổ ẩm mờ hơi nước, như sát bên là đầm sen gần tàn,lơ thơ vài mảnh lá úa vàng trên mặt nước, nhưng vẫn có vài bông sen thắm vươn lên bất chấp gió buốt. Xa xa vài chiếc thuyền nhỏ xíu cắm sào như đang trông đợi ai mà cũng như không đợi ai, như một nét vẽ vào khỏang không mù mịt sương. Những người bạn bên kia đại dương của tôi hầu như mê mẩn khung cảnh nơi này. Họ đã đi nhiều nơi, và cũng đã từng nghỉ trong vài khách sạn hạng 4-5 sao trong khu trung tâm Hà Nội, nhưng ở đây, họ nói, cảm giác như thiên nhiên đang hòa vào từng hơi thở, cho sự trong lành thanh khiết… Một người ví von: Ở nơi này, con người ta không thể không lương thiện.
    Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
    Tôi không đủ khả năng dịch thành thơ câu ca dao về Hồ Tây nổi tiếng mà gần như người Việt nào cũng biết, nhưng khi tôi dịch nghĩa và kể những câu chuyện về các làng nghề cổ của miền đất huyền thọai này, gần như tất cả họ đều “ồ” lên một cách thích thú, vì không ngờ cái miền hồ xinh đẹp phía Tây Thăng Long-Hà Nội lại có nhiều sự tích đẹp lãng mạn,là một trong những địa danh gây cảm hứng cho thi nhân kim cổ và để lại bao áng văn chương trác tuyệt.
    4. Bạn nói, Thủ đô của Việt Nam nghìn năm, nhưng đặc biệt hơn các Thủ đô nghìn năm tuổi ở các quốc gia khác. Đó là nét cổ xưa nhuốm màu huyền thọai luôn hiện diện trong cuộc sống đương đại thời công nghệ số. Không chỉ tên những con đường mà qua đó thấy được cả lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, mà cả tên của đầm, hồ, ao… cũng cứ lãng đãng như từ nghìn năm trước không thay đổi. Rồi những con phố cổ cho dù bên ngòai là sự bóng lộn của văn minh thế kỷ 21, nhưng hình như lẩn khuất sâu thẳm trong từng góc nhỏ phố, từng gốc cây cổ thụ sù xì, từng mái ngói vảy cá rêu phủ… là những thầm thì bất tận của những người xưa về mảnh đất nghìn năm tuổi.
    Họ cũng có cảm nhận về 2 chiều “động- tĩnh” của Thăng Long-Hà Nội như người bạn nghệ sĩ tạo hình của tôi. Họ nói người Hà Nội rất hay, khi chạy xe ngòai phố thì cứ vun vút chóng cả mặt, nhưng khi làm việc gì hay nói chuyện thì lại rất điềm tĩnh, chậm rãi, thong thả. Ở Hà Nội, ra công viên buổi tối thấy các bạn trẻ nhảy hip-hop cuồng nhiệt,tưởng như đất trời đảo lộn, nhưng cũng nơi đó sáng sớm thì tòan người già như muốn níu thời gian dừng lại bằng những động tác phiêu diêu của bài Thái cực quyền gần như bất động trong từng nhịp thở.
    Hà Nội còn lạ nữa, khi giữa trung tâm Thủ đô, đanh thức bình minh không chỉ có tiếng còi xe ồn ã mà còn có tiếng chuông chùa thong thả gõ nhịp. Và hình như không đâu nhiều chùa như Thăng Long-Hà Nội, nhất là từ khi Thủ đô được mở rộng. Bạn nói nghiêm túc, nếu thống kê, có thể là kỷ lục Guiness về Thủ đô có nhiều chùa nhất thế giới? Mà có lẽ thế thật, sao hình như chưa ai phát hiện điều này?
    5.Tiễn bạn về nước, tôi cũng về phương Nam nắng gió khi đồng hồ đếm ngược thời khắc nghìn năm chỉ con số 272 ngày. Những câu chuyện lan man bên các bạn văn nước ngòai về Thăng Long-Hà Nội cho tôi cảm giác quyến luyến hơn khi bước lên máy bay tạm biệt Thủ đô.
    Lại nhớ buối tối bế mạc cuộc gặp gỡ văn chương, một bạn nước ngòai, hình như là người châu Âu, phát âm tiếng Việt chưa chuẩn lắm, nhưng đọc khá trôi chảy câu thơ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long…” của thi tướng Hùynh Văn Nghệ.. Bỗng như muốn trào nước mắt vì xúc động. Với bạn, Việt Nam là Thăng Long-Hà Nội.. Ai cũng là người Hà Nội, cũng mang trong mình niềm tự hào của lịch sử nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, và hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam./.



      Hôm nay: Wed Nov 13, 2024 2:52 pm